CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 108 : THIẾT, THIẾP, THỎ, THƠ. - ĐỖ CHIÊU ĐỨC

 



THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 108 : 

                                 THIẾT, THIẾP, THỎ, THƠ.


                                      Thiết Ngọc Thâu Hương

      THIẾT 窃 (竊) : là Ăn Trộm. THẤT THIẾT 失竊 : là Mất trộm. Ta thường gặp từ

      THIẾT TƯỞNG 竊想 : là Trộm Nghĩ. Đây là lời nói khiêm nhượng để chỉ những ý nghĩ của mình. (Chỉ là "Trộm nghĩ", là len lén nghĩ thế thôi, chứ không biết có đúng hay không ?!).

      THÂU 偷 : là Ăn cắp, TIỂU THÂU 小偷 : là Thằng ăn cắp vặt. 

      NGỌC 玉 : là Đá qúy; HƯƠNG 香 là Mùi thơm; Cả hai đều là biểu tượng dùng để chỉ người đẹp. Tá có thành ngữ THƯƠNG HƯƠNG TIẾC NGỌC để chỉ "những người biết trân trọng, yêu quí, chìu chuộng, nâng niu và thương xót người đẹp" Biết cảm thông cho cuộc đời của các bà các cô một cách chân tình.

      THƯƠNG HƯƠNG TIẾC NGỌC chữ Nho là LÂN HƯƠNG TÍCH NGỌC 憐香惜玉 hay TÍCH NGỌC LÂN HƯƠNG. Hôm nay ta nhắc đến thành ngữ :

      THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊玉偷香 là : Ăn trộm ngọc, ăn cắp hương. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ trai gái yêu đương vụng trộm với nhau trước khi thành hôn. Theo tích sau đây : Theo Tấn Thư, Giả Sung Truyện 晉書·賈充傳 có ghi lại...


      Hàn Thọ 韓壽 là môn khách của quyền thần Giả Sung 賈充 dưới đời Tây Tấn. Giả Sung có con gái là Giả Ngọ 賈午  thầm yêu Hàn Thọ. Hai người cùng tư thông với nhau, Giả Ngọ lại lấy trộm hương liệu mà Tấn Võ Đế ban tặng cho Giả Sung tặng cho Hàn Thọ. Sau khi phát hiện vì muốn tránh tiếng xấu nên Giả Sung đành phải gả con gái Giả Ngọ cho Hàn Thọ.

      Vì tích trên mà người đời sau gọi trai gái có tình ý và tư thông với nhau là Thâu Hương Thiết Ngọc hay THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊玉偷香, như trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử có câu :


                      Dám nào THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG,

                    Chỉ trong danh tiết, lánh đường tìm hoa.     

                       


                                   THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊玉偷香     

         

       THIẾT TRƯỚNG 設帳 : là Thiêt lập màn trướng, có nghĩa là "Treo rèm màn trước chỗ nơi mình ngồi dạy học". Theo Mã Dung Truyện 馬融傳 của sách Hậu Hán Thư 後漢書 có ghi : 

       Mã Dung, danh sĩ đời Đông Hán. Ông thường ngồi cao trong trướng, ngoài phủ rèm lụa đỏ thẳm, còn học trò thì ngồi ở bên ngoài, nghe giảng rồi truyền lại cho nhau mà học. Nên...

      THIẾT TRƯỚNG dùng rộng ra có nghĩa là : Mở lớp dạy học, mở trường dạy học. Nơi dạy học của ngày xưa. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phương Hoa Lưu Nữ Tướng" có câu :


                       Đành lòng THIẾT TRƯỚNG có nơi,

                    Gọi là tân thủy, thời thời thăm nom.


       THIẾP LAN ĐÌNH là LAN ĐÌNH TẬP TỰ 蘭亭集序 của Vương Hi Chi đời Tấn theo tích sau đây :

       VƯƠNG HI CHI 王羲之 (303 - 361) là nhà văn, nhà thư pháp kiệt xuất đời Đông Tấn, tự là Dật Thiếu 逸少, người đất Cối Kê (Thiệu Hưng, Triết Giang ngày nay). Ông làm quan tới chức Hữu quân tướng quân, nên còn được gọi là Vương Hữu Quân. Tấn Thư cho biết ông học thư pháp, vì viết chữ nhiều, rửa bút đến đen cả nước trong ao. Ông nổi tiếng nhất là chữ hành, chữ thảo và chữ khải. Người đời xưa đã từng hình dung bút pháp của ông là “phấp phới như mây, đẹp đẽ như rồng” (phiêu nhược phù vân, kiều nhược kinh long 飄若浮雲,矯若驚龍). Lương Vũ Đế nói chữ của ông “như rồng múa cửa trời, hổ nằm gác Phượng, đời đời đều coi là của báu, mãi mãi học theo” (như long khiêu Thiên môn, hổ ngọa Phượng các, cố lịch đại bảo chi, vĩnh dĩ vi huấn). Đời sau tôn xưng ông là “Thư thánh 書聖”, là Ông Thánh về Thư pháp. Thành tựu văn học của ông cũng rất cao, giỏi thơ phú, sở trường nhất là tản văn. Bài tựa tập Lan Đình (Lan Đình tập tự 蘭亭集序) là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông.

     Ngày mùng 3 tháng 3 năm Quý Sửu (353) niên hiệu Vĩnh Hòa thứ 9 đời Tấn Mục Đế, Vương Hi Chi cùng các danh sĩ đương thời như Tôn Thống, Tôn Xước, Tạ An, Chi Độn… cả thảy 41 người, họp mặt tại Lan Đình ở Sơn Âm, huyện Cối Kê. Họ làm thơ, gom thành Lan Đình Tập. Vương Hi Chi viết bài Tự ghi lại quang cảnh thi vị của buổi họp mặt đầy ý nghĩa đó vừa cảm thán về nỗi đời li hợp vô thường, về tuổi thọ con người ngắn ngủi, giọng điệu thâm trầm sâu lắng, tiêu biểu cho tinh thần của kẻ sĩ đương thời.

     Lúc đó Vương Hi Chi dùng giấy đẹp, bút lông chuột, viết bài Tự đó thành 28 dòng, cộng 324 chữ, trở thành kiệt tác thư pháp mẫu mực về sau nầy. Ai viết thư pháp đẹp đều thường được khen là "Chữ đẹp như Thiếp lan Đình của Vương Hi Chi vậy !"

     Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã mượn tích trên để cho Hoạn Thư khen Thúy Kiều viết chữ đẹp, khi Thúy Kiều bị ép đi tu ở Quan Âm Các :

       

                            Khen rằng bút pháp đã tinh,

                      So vào với THIẾP LAN ĐÌNH nào thua !

      


                               Vương Hi Chi và Thiếp Lan Đình Tập Tự 

     

       THIẾP TUYẾT là tấm thiếp viết bài "Tuyết Phú 雪赋" thật đẹp của "Tùng Tuyết Đạo Nhân 松雪道人" ở cuối đời nhà Minh, đầu đời nhà Nguyện, theo tích sau đây :

       TRIỆU MẠNH PHỦ 趙孟頫 (1254-1322) tự là Tử Ngang 子昂, hiệu là Tùng Tuyết Đạo Nhân 松雪道人, người Ngô Huyện tỉnh Chiết Giang. Ông là họa sư, thư pháp gia, thi nhân của cuối đời Nam Tống và đầu đời nhà Nguyên, là cháu đời thứ 11 của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.      

       Triệu Mạnh Phủ là người bác học đa năng, ngoài việc giỏi văn thơ hội họa ra, ông còn giỏi cả kinh tế, chính trị; lại tinh thông âm luật nhạc lý, nhất là thư pháp, ông viết đẹp cả các loại chữ Lệ, chữ Triện, chữ Khải, chữ Hành và chữ Thảo. Chữ Khải chân phương của ông có thể sánh ngang với "Thiếp Lan Đình" của Vương Hi Chi. Ông và Âu Dương Tuân, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền hợp xưng là "Khải Thư Tứ Đại Gia 楷書四大家". Ông nổi tiếng với "Thiếp Tuyết" chép lại bài "Tuyết Phú" của ông. Ông mất năm 69 tuổi, để lại "Tùng Tuyết Trai Văn Tập 松雪齋文集".

       Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Hoa Tiên Ký" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :


                          Vẹn lo khung dệt, bàn thêu,

                  Chữ đề THIẾP TUYẾT, cầm treo phả đồng.

           


      THỎ là Thỏ Ngọc chữ Nho là  NGỌC THỐ 玉兔  theo tích sau đây :  

 

      Theo truyền thuyết Trung Hoa xưa trong cung trăng có con thỏ trắng giã thuốc trường sinh. Vì có sắc lông trắng như ngọc nên mọi người đều gọi là NGỌC THỐ 玉兔 là Thỏ Ngọc; hình thành thành ngữ NGỌC THỐ ĐẢO DƯỢC 玉兔搗藥 là Thỏ Ngọc Giã Thuốc theo các truyền thuyết lưu truyền trong dân gian như sau đây : 

                            


     * Thỏ Ngọc là hoá thân của Hằng Nga, vì sau khi đến cung trăng đã phạm luật của thiên đình nên Ngọc Đế phạt biến thành thỏ ngọc, đến mỗi đêm trăng sáng thì phải cầm chày ngọc cối ngọc để giã thuốc trường sinh cho các thần tiên trên trời.


     * Có truyền thuyết cho rằng Thỏ Ngọc chính là hóa thân của Hậu Nghệ, vì thương Hằng Nga ở cung trăng vò võ có một mình, nên mới hóa thân thành con vật mà Hằng Nga yêu thích nhất để cùng bầu bạn với nàng. Đáng thương cho Hằng Nga không biết là người chồng mà mình luôn tưởng nhớ chính là con Thỏ Ngọc đang kề cận bên mình mỗi đêm.


     * Theo truyền thuyết dân gian thì có ba vị tiên ông hóa thân thành ba ông già nghèo khổ đến xin thức ăn của ba người bạn là Chồn, Khỉ và Thỏ. Chồn và Khỉ đều mang thức ăn để dành ra cho ba ông già, riêng Thỏ thì không có gì để cho, bèn nói với ba ông già rằng :"Các ông hãy ăn thịt của tôi đi". Nói xong, bèn nhảy vào đống lửa gần đó để làm thức ăn cho ba ông già. Ba vị tiên ông bàng hoàng và rất cảm động bèn cứu Thỏ ra khỏi đống lửa và đưa lên cung trăng.


     * Theo truyện Phong Thần Diễn Nghĩa thì khi Tây Bá Hầu Cơ Xương bị giam nơi Dũ lý, con trai trưởng là Bá Ấp Khảo đến Triều ca để tìm cách cứu cha. Đắc Kỷ thấy Bá Ấp Khảo đẹp trai lại giỏi về đàn cầm bèn động tình đem lời cớt nhả. Bá Ấp Khảo lấy lời lẽ chính trực khuyên can. Đắc Kỷ thẹn quá hóa giận bèn gièm pha với Trụ Vương là Bá Ấp Khảo buông lời vô lễ chọc ghẹo mình. Trụ Vương bèn hành hình Bá Ấp Khảo. Đắc Kỷ lấy thịt làm thành bánh bao đem cho Cơ Xương ăn. Tuy biết là thịt của con mình, Cơ Xương cũng giả ngây giả dại mà ăn hết để được tha về nước. Khi vừa về đến đất Tây Kỳ ông bèn lợm giọng và há miệng mửa ra ba con thỏ trắng. Ông biết đó là ba hồn chín vía của Bá Ấp Khảo. Đêm đó khi trăng vừa lên đến đỉnh đầu, các con thỏ đều chạy ra sân để ngắm trăng. Bỗng có Hằng Nga hiện xuống bảo rằng vâng lệnh của bà Tây Vương Mẫu đến rước các con thỏ ngọc về cung Quảng Hàn....


      Còn rất nhiều rất nhiều truyền thuyết dân gian khác về con Thỏ Ngọc ở trong cung trăng. Theo thời gian lâu dần lâu dần hình ảnh con Thỏ Ngọc là biểu tượng của vầng trăng. Trăng là Thỏ ngọc, Thỏ ngọc là trăng, như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã cho Vương Quan nói về nấm mộ hoang bên đường của Đạm Tiên bằng hai câu :


                                  Trãi bao THỎ LẶN ÁC TÀ,

                             Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.


      THỎ LẶN là Trăng lặn, ÁC TÀ là Mặt Trời chiều; Trăng lặn là hết đêm, Mặt Trời về chiều là hết ngày. Nên THỎ LẶN ÁC TÀ chỉ ngày tháng qua đi. "Trãi bao THỎ LẶN ÁC TÀ," là biết bao là ngày tháng đã qua đi rồi !

      Trong bài thơ Vấn Nguyệt của Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng có câu :


                              Hỏi con NGỌC THỐ đà bao tuổi ?

                              Chớ chị Hằng Nga đã mấy con ?



      Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì gọi vầng trăng là BÓNG THỎ :


                              Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,

                              Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.                              

                              Dè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,

                              Nghiêng bình phấn mốc mà dồi má nheo.


      THÔI TRƯƠNG là Thôi Oanh Oanh 崔鶯鶯 và Trương Quân Thụy 張君瑞, là hai nhân vật chính của Truyện TÂY SƯƠNG KÝ 西廂記 có xuất xứ phức tạp như sau :


     Kịch bản TÂY SƯƠNG KÝ 西廂記 của Vương Thực Phủ vốn có nguồn gốc từ HỘI CHÂN KÝ 會真記 còn gọi là OANH OANH TRUYỆN 鶯鶯傳, một trong các truyện của tiểu thuyết truyền kỳ đời nhà Đường, do thi nhân "Bạc tình nổi tiếng lầu xanh" là Nguyên Chẩn 元稹 biên soạn. Truyện kể...

     Trương sinh 張生 là chàng thư sinh nghèo tên Quân Thụy 君瑞, ở trọ trong chùa Phổ Cứu xứ Bồ Châu. Gặp cơn binh biến, Trương sinh đã ra tay giúp đỡ cho gia đình của một người dì có họ xa là Trịnh thị được thoát nạn. Trong bửa tiệc đền ơn, Trương sinh đã phải lòng cô em gái bạn dì (biểu muội) là Thôi Oanh Oanh 崔鶯鶯. Nhờ có thị nữ Hồng Nương 紅娘 đưa thư dẫn mối qua lại với nhau, rốt cuộc họ hẹn nhau dưới mái tây hiên (Tây sương) và thỏa tình cá nước. Thôi Oanh Oanh đã nhẹ dạ trao thân cho Trương Quân Thụy, để đến nỗi :


                       Mây mưa đánh đổ đá vàng,

                  Qúa chìu nên đã chán chường yến anh.

khiến cho :

                      Mái Tây để lạnh hương nguyền,

                  Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng !

Nên khi...

           Khoa thi đến, Trương sinh lên đường lai kinh ứng thí, nhưng lại danh lạc Tôn Sơn, tên tuổi rớt khỏi bảng vàng. Buồn lòng, nên nấn ná ở kinh thành, lại đổ cho Oanh Oanh là điềm làm cho mình xui xẻo nên đi cưới vợ khác. Năm sau Oanh Oanh cũng xuất giá. Một lần đi ngang qua nhà của Oanh Oanh, Trương sinh lấy danh nghĩa là biểu huynh xin yết kiến, nhưng lại bị Oanh Oanh cự tuyệt... Nên...

     Trong Truyện Kiều, khi Kim Kiều gặp gỡ trong đêm , lúc "Sóng tình dường đã xiêu xiêu, xem trong âu yếm có chìu lả lơi", cụ Nguyễn Du mới cho Thúy Kiều "stop" Kim Trọng lại bằng câu :


                      Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

                  Lứa đôi ai lại đẹp tày THÔI TRƯƠNG...



      Còn trong kịch bản của Vương Thực Phủ đời Nguyên thì...


      Trương Quân Thụy là một thư sinh nghèo lạc phách ở trọ trong chùa Phổ Cứu để xôi kinh nấu sử, tình cờ gặp được Thôi phu nhân cùng con gái là Thôi Oanh Oanh đang phò linh cửu của chồng là Thôi Tướng quốc về quê đến ở trọ trong chùa. Tướng cướp Tôn Phi Hổ 孫飛虎 nghe đồn tiểu thơ Thôi Oanh Oanh rất đẹp nên đem binh vây chùa định bắt về làm áp trại phu nhân. Lão phu nhân mới tuyên bố rằng nếu ai cứu được gia đình bà và giải vây cho chùa thì sẽ gả tiểu thơ Oanh Oanh cho. Trương sinh bèn viết thư nhờ một chú tiểu trốn ra khỏi chùa mang đến cho bạn mình đang làm Thái Thú ở Bồ Châu là Bạch Mã Tướng quân họ Đỗ. Đỗ bèn phát binh giải vây cho chùa. Sau đó, lão phu nhân thấy Trương sinh qúa nghèo không môn đăng hộ đối với mình bèn hối hôn; nên trong bửa tiệc đền ơn đáp nghĩa chỉ cho Oanh Oanh nhận Trương Sinh làm nghĩa huynh mà thôi. Hai kẻ yêu nhau bị cấm ngăn qua lại, nhưng nhờ có thị nữ Hồng Nương thư đi tin lại nên cuối cùng hai người vẫn gặp nhau ở dưới mái Tây mà vui vầy cá nước, với lời thơ nên thơ và lãng mạn như sau :                                 


              待月西廂下,    Đãi nguyệt Tây sương hạ,

              迎風户半開。    Nghinh phong hộ bán khai.

              拂牆花影動,    Phất tường hoa ảnh động,

              疑是玉人來。    Nghi thị ngọc nhân lai !


Có nghĩa :

              Đợi trăng dưới mái tây,

              Cửa hé gió hây hây.

              Bóng hoa bên tường động,

              Ngờ người ngọc tới đây !

Lục bát :

              Đợi trăng dưới mái tây sương,

              Đón làn gió thoảng cửa buông nửa vời.

              Bóng hoa lay động chơi vơi, 

              Ngỡ là người ngọc đến nơi hẹn hò.  


    ... Chuyện đổ bể, phu nhân tra khảo Hồng Nương và bắt Thôi Oanh Oanh phải xuất giá lấy công tử Trịnh Hằng là con của một thế gia vọng tộc lúc bấy giờ. Nhưng qua sự đấu lý và trần tình của cả Hồng Nương, Trương sinh và Oanh Oanh; phu nhân đồng ý đợi Trương sinh lai kinh ứng thí, nếu kim bảng đề danh thì sẽ làm lễ "Đại Tiểu Đăng Khoa" cùng lúc. "Được lời như cởi tấc lòng" Trương sinh từ đó cố công dùi mài kinh sử, và trời đã không phụ người có lòng, khoa thi năm đó Trương Quân Thụy đậu ngay Trạng Nguyên cập đệ và đã rước cô dâu Thôi Oanh Oanh về cùng đoàn tụ một nhà, và cũng để cho Vương Thực Phủ kết thúc một câu chuyện tình có hậu với câu nói bất hủ để đời là "Hữu tình nhân chung thành quyến thuộc 有情人終成眷屬" Những kẻ có tình yêu nhau thực sự thì rốt cuộc sẽ được sum họp một nhà mà thôi ! Cái kết có hậu vừa nói lên được cái tự do luyến ái của tình yêu nam nữ lúc bấy giờ (Nhà Nguyên khoảng thế kỷ 13) vừa là sự bức phá khỏi cái rào cản cổ hủ của Nho phong với truyền thống "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Giờ thì Trương Sinh và Oanh Oanh đã toại nguyện :


                          Một nhà sum họp trúc mai,

                   Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông !


          Hẹn bài viết tới !

                                                                  

                                                                杜紹德

                                                             ĐỖ CHIÊU ĐỨC


Không có nhận xét nào: