NHỮNG BÀI HÙNG CA “CÔNG DÂN GIÁO DỤC” SỐNG MÃI…
Ngày nay, có rất nhiều người trẻ, không biết hoặc chưa bao giờ nghe được những bài hùng ca của một thời ông cha chúng ta đã từng đánh giặc ngoại xâm – đó là nói riêng – còn nói chung có rất nhiều bài hát dù cũ, nhưng chưa được nghe bao giờ! Nghe nhạc, tưởng dễ, nhưng rất khó. Nghe nhạc như nước đổ đầu vịt thì dễ thôi, nhưng nghe nhạc để thẩm thấu cõi lòng, nghe để nghĩ, nghe để thấy, nghe để biết… đó lại là một vấn đề của “người biết nghe nhạc”. Bài nhạc cho chúng ta nhiều kỷ-niệm, nhớ một một thời đã qua, nhung nhớ tình yêu, nhớ một cái gì rất lãng- mạn như hò hẹn tâm tình bên triền dốc, bìa rừng, bờ sông, bên hàng dậu, góc phố, cuối đường, trên con đê vắng người… những đêm trăng tỏ.
Nghe nhạc tình nẫu cả ruột, bây giờ nghe nhạc hùng để nhớ lại một thời, để nung lại tim-gan-phèo-phổi, vì âm-nhạc chữa được lành được những vết thương lòng!
Nếu trái đất này mà không có Âm nhạc thì ra sao nhỉ? Chắc buồn lắm, và con người không có âm nhạc cũng cằn cỗi, già nua?
Bây giờ hát lại những ca khúc hùng ca của một thời vẫn thấy còn thích hợp, dù đất nước Việt-Nam mỗi ngày mỗi thay đổi để theo kịp thế-giới. Âm nhạc nói chung và ca khúc nói riêng cũng không thể đứng ngoài cuộc trước thời cuộc. Những bài hùng ca của các nhạc sĩ đã từng đi qua một thời Chiến-tranh, nay hát lại vẫn là những lời ca như thúc-giục chúng ta, dù không đao to búa lớn, không cường điệu, không sùng bái muôn năm, nhưng là những điều “giáo-huấn” của một thời vì lý-tưởng.
Những nhạc sĩ tiên phong trong Chiến-tranh đã không còn, nhưng những bài hát đấu tranh cho lý-tưởng vẫn còn đó. Hát hùng ca trong chiến-tranh là để vào trận, để yêu nước, còn bây giờ hát hùng ca trong Hòa-bình là để giữ nước vào giáo-dục lòng thương nước, yêu dân.
Hùng ca không chỉ dành cho Chiến-tranh, mà còn dành cho Hòa-bình, đó là những ca khúc “một trong hai”.
Những bài hùng ca đi qua trong Chiến-tranh như: “Khỏe vì nước” của Hùng-Lân, “Học sinh hành khúc” của Lê-Thương, và “Quyết tiến” của Võ-Đức-Thu…, đó là những bản nhạc của tấm lòng, của con tim. Bây giờ hát lại vẫn như mới, dù đất nước mỗi ngày mỗi thay đổi, và âm-nhạc nói chung, ca khúc nói riêng, cũng không đứng ngoài vận mệnh của đất nước.
Đó là ba bài hát “công-dân giáo-dục” của một thời đi học trường làng, trường tỉnh, của học sinh chúng tôi. Ba bài hát ngắn gọn nhưng tràn đầy hy vọng, súc-tích nỗi lòng, chan chứa tình yêu, mà mỗi lần hát lên, chúng tôi thấy tự-hào, nung nấu ý chí, yêu nước, yêu quê-hương, yêu dân tộc mình. Mỗi một ca khúc là một trang sử vàng sống đánh thức tuổi trẻ khắc ghi vận-mệnh đất nước.
Hai nhạc sĩ Lê-Thương và Hùng-Lân “lý lịch” thì tôi đã trích xuôi trong những bài cảm nhận trước. Nay chỉ nhắc đến lý lịch nhạc sĩ Võ-Đức-Thu, người nhạc sĩ đã bị người đời lãng quên, mặc dù ông là một nhạc sĩ tiên-phong trong những ngày đầu nền Tân nhạc Việt-Nam còn phôi-thai từ năm 1938. Nhạc sĩ Võ-Đức-Thu sinh năm 1915 tại Saigon, không rõ ngày mất của ông. Ông đã viết chùng 10 nhạc phẩm:
-An Phú Đông
- Bình minh ca khúc
- Đoàn người trên biển cả
-Đồng quê
- Hồn quê
-Mưa đêm thu
- Nhớ ai
- Nhớ người xa vắng
- Quyết tiến
- Tống biệt…
Bây giờ, với chiếc điện-thoại di-động, có thể coi nó như là cuốn Tự-điển Bách- khoa, còn tin bao nhiêu phần trăm là tùy theo mỗi người. “Dân ta không biết sử ta/ Nếu mà muốn biết thì tra Google”.
Năm 1963, trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn-Ngu-Ý (Nguyễn-Hữu-Ngư) trên tạp chí Bách- Khoa, nhạc sĩ Võ-Đức-Thu đã nói:
“… Tôi là một nhạc sĩ yêu chuộng tự do và lúc nào cũng có một đời sống hoạt động độc lập, vì thế nên tôi không có những ước vọng quá xa vời. Tôi chỉ mong mỗi ngày có công việc làm để nuôi sống gia đình và được sống gần gũi với dân chúng và thiên nhiên, để trong những sáng tác phẩm của mình, được nói lên đời sống thực tại của xã hội. Nhưng tôi rất hy vọng rằng nhạc Việt-Nam nói chung và tân nhạc nói riêng sẽ sống mạnh và sẽ được tiến triển nhiều hơn khi nước nhà được thống nhất và thanh bình trở về với chúng ta…”.
Một lời nói chân tình, giống như ca từ trong nhạc ông, và ông là một nhạc sĩ nặng lòng với quê-hương qua nhạc phẩm “Quyết tiến”:
-QUYẾT TIẾN - Võ-Đức-Thu:
“… Quyết tiến ta giống dân Lạc Hồng
Liều thân sống tranh đấu giữ gìn non sông
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Máu anh hùng ngàn đời nhuộm thắm non sông
Quyết tiến khi nước non reo hò
Lòng cương quyết tranh đấu giữ gìn tự do
Quyết tiến khi nước non nguy biến
Máu anh hùng rạng danh nòi giống Tiên rồng
Vết anh hùng ngày xưa nay còn lưu dấu
Theo sử sanh nước Việt ngàn đời hùng anh
Chí quật cường toàn dân hy sinh tranh đấu
Giống Lạc Hồng rạng danh nòi giống tiên rồng…”
Ba bài “Công-dân giáo-dục”: Khỏe vì nước, Học sinh hành khúc, Quyết tiến, là những bài hùng ca, đã theo chúng tôi từ những ngày mới cắp sách đến trường, và cho đến hôm nay đầu bạc răng rụng, nó vẫn là những ca khúc khó quên.
Đó là những khúc ca tinh khôi, sáng như trăng rằm, đẹp như nắng ban mai, hồng như hoàng-hôn nhuộm trên cánh đồng, tinh-khiết như những giọt sương đêm, mát như nước suối chảy từ khe đá, hát lên nghe hừng-hực “máu chảy về tim”.
Ngày ấy, ngày nào chúng tôi cũng hát nó để “giáo-dục công-dân”, để thấy tương-lai màu hồng, để quên đói nghèo, quên chiến-tranh đen tối, vì âm nhạc là nguồn động-viên vô bờ.
Ngày xưa thời đi học, ngoài học lịch-sử, chúng tôi còn HÁT LỊCH-SỬ, ngoài học công-dân giáo-dục chúng tôi còn HÁT GIÁO-DỤC CÔNG-DÂN.
Ngày nay, rất mong những bài hùng ca như “Khỏe vì nước”, “Học sinh hành khúc”, “Quyết tiến”… được hát lại.
-KHỎE VÌ NƯỚC – Hùng-Lân :
“… Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia
Đoàn thanh niên ta góp tài ba
Tạo nguồn dân sinh mới
Hùng mạnh trong năm giới
Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam
Khỏe vì nước ý chí cương kiên
Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên
Trong khốn nguy can trường
Sống thác ta coi thường
Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm
Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông đợi chờ
Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ
Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng
Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới soi chung…”
-HỌC SINH HÀNH KHÚC – Lê-Thương:
“… Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau
Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao
Lúc khắp quốc dân tranh đấu cho nền độc lập
Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu
Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên…”
Thay vì học Công-dân giáo-dục, học sinh nên kèm theo hát Giáo-dục công-dân.
Những bài hùng ca nằm trong kho tàng Sử ca Âm nhạc Việt-Nam, là những ca khúc mạnh hơn gươm giáo của một thời đánh đuổi ngoại xâm.
Đó là những “Bài ca không bao giờ quên”
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét