CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN BLOG NHÃ MY. CHÚC CÁC BẠN THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

NẮNG TƯƠI - TRẦN HỮU NGƯ

 



NẮNG TƯƠI
Người ta thường gọi nắng: Nắng như thiêu, nắng cháy da, nắng rát, nắng đổ lửa, nắng úa, nắng nóng như rang, nắng cháy tóc, cháy cỏ…
Riêng nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong trường ca Hội Trùng Dương, thì gọi “Nắng quái”, nhạc sĩ Hoàng Qúy gọi nắng là “Nắng Tươi”.
Nhạc sĩ Hoàng Qúy tên thật là Hoàng Kim Qúy, anh ruột của nhạc sĩ Tô Vũ (Hoàng Phú).
-Sinh năm 1920 tại Hải Phòng
-Mất năm 1946 tại Hải Phòng
Nhạc sĩ Hoàng Qúy chết quá trẻ năm 26 tuổi!
Chỉ chết sau nhạc sĩ Đặng Thế Phong 2 năm.
Hình như hai nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh này chết vì bịnh lao? (Ngày đó, mắc bịnh lao cũng như bây giờ mắc ung thư !)
Nhạc sĩ Hoàng Qúy sáng tác không nhiều :
-Trên sông Bạch Đằng
-Cảm tử quân
-Chiều quê
-Chùa Hương
-Cô lái đò (Cô lái đò mơ)
-Đêm trong rừng
-Đợi chờ
-Cô láng giềng
Nhưng ông nổi tiếng với “Cô láng giềng”, bài hát đi qua biết bao chặng đường thăng trầm của đất nước, đi từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, qua bao lớp người không phân biệt tuổi tác, học vấn, thành phần… Chỉ cần một bài hát “Cô láng giềng” cũng đủ để tôn vinh ông là một nhạc sĩ của muôn đời !
Ông còn là một nhạc sĩ thành lập nhóm Đồng Vọng từ năm 1940, khi nhóm này ra đời thì các bài hướng đạo, thanh thiếu nhi, cũng được sáng tác để đáp ứng mạnh mẽ phong trào tranh đấu của Việt Nam.
Nhạc sĩ Hoàng Qúy ông để lại cho đời ba bài sử ca là “Bạch Đằng giang”, “Bóng cờ lau”, “Nước non Lam Sơn”. Ngoài ra Hoàng Qúy là bậc thầy về NHI ĐỒNG CA:
-Tiếng chim gọi đàn
-Nắng tươi
-Nước non Lam Sơn
-Bóng cờ lau
Bốn nhạc phẩm này nằm trong tập nhạc NHI ĐỒNG CA (Tuyển tập những bài ca của tuổi thơ) do nhạc sĩ Lê Thương tuyển chọn và Quảng Hóa xuất bản năm 1970.
Và nhạc sĩ Hoàng Qúy, ông là người đầu tiên gọi Nắng là “Nắng Tươi”, trong bài hát Thiếu nhi mà ngày xửa ngày xưa, tôi đã hát nơi bưng biền, bên đàn trâu gặm cỏ, nhưng thỉnh thoảng nghểnh tai nghe tiếng máy bay Pháp:
Lời 1:
“… Nắng trong khóm cây, Xuân sáng ngời
Kìa chim bay xa xa ca hót trong mây
Gió trong khóm cây Xuân sáng ngời
Kìa bao em tay nắm reo vang tiếng cười
Ngàn hoa hé tưng bừng hương bay nồng ngát
Ngàn chim hát vang lừng lướt cánh ngang trời
Nắng đem thắm tươi cho khắp muôn người
Cùng nhau ta đi vui chơi khắp đó đây
Gió đem thắm tươi cho khắp muôn người
Cùng nhau ta tay nắm reo vang tiếng cười…”
Lời 2:
“…Nắng trên núi cao reo khắp đồng
Kìa chim bay xa xa trong ánh Xuân tươi
Gió trên núi cao reo khắp đồng
Lời chim ca Xuân thắm vang trong nắng hồng
Cùng vui bước trên đường ta luôn cười hát
Cùng vui giúp cho đời góp sức chung lòng
Nắng lên khắp nơi reo khắp đồng
Lời chim ca yêu Xuân không phút giây ngơi
Gió reo khắp nơi qua khắp đồng
Lời ca yêu non nước vang trong nắng hồng…”
Trong lời “Vào tuyển tập”, NHI ĐỒNG CA, nhạc sĩ Lê Thương viết:
“Chúng tôi giới thiệu tuyển tập 30 bài hát tuổi ngọc này, mến gởi các thanh thiếu nhi, các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục, các anh em nhạc sĩ, như món quà Trung Thu năm Canh Tuất vậy…” (Lê Thương viết thay nhà xuất bản. Saigon, tháng 8 năm 1970).
Và “Nắng tươi” một bài hát ca ngợi cái nắng… đẹp mà mỗi ngày chúng ta sống dưới ánh nắng mặt trời.

TRẦN HỮU NGƯ

Không có nhận xét nào: