EM CHỜ ANH TRỞ LẠI
“Em chờ anh trở lại” là một nhạc phẩm nổi tiếng của Hoàng Nguyên.
Lại một bài Boléro xuất hiện trong thời chiến đã một thời hát vang. Boléro, người bạn thân mến của toàn dân miền Nam trong những năm Chiến tranh, đi trong đoàn quân không vũ khí: Tango, Valse, Rumba, Modérato, Slow, Cha cha cha… Boléro giàu tính nhân văn, mang lời ca chan chứa nghĩa tình, những mối tình đẹp như tranh vẽ, những hẹn hò đầu ghềnh cuối bãi, xóm trên, thôn dưới…, những chia ly ước hẹn ngày về, những đợi chờ thương nhớ khôn nguôi dù Hòa bình còn xa lắm! Nhưng hy vọng đã làm cho người ta sống được, cho dù hy vọng ở cuối đường hầm chưa được soi rọi ánh sáng.
“Em chờ anh trở lại” do Hoàng Nguyên tự xuất bản và giữ bản quyền. Tôi có bản nhạc này, nhưng tiếc rằng “không đề ngày tháng kiểm duyệt và xuất bản”, cho nên, tôi cho vào nhóm nhạc “hình như lâu lắm”.
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên, thì người nghe đã biết anh qua nhiều nhạc phẩm đã đi theo cùng năm tháng dài của thời kỳ đầu Chiến tranh, cho đến khi Hòa bình sắp ló dạng.
Nhân bài hát “Em chờ anh trở lại”, tôi cũng thật lòng nói rằng:
-Tôi đã viết cảm nhận về Boléro nhiều rồi, định không viết nữa, nhưng một ngày, một buổi, cất công đi tìm nhạc hay lại gặp Boléro! Những bài hát hay thường rơi vào giai điệu Boléro: Ủa, sao kỳ lạ vậy?
Và cũng mong bạn đọc thông cảm, viết nhiều, không tránh khỏi những ý tưởng trùng hợp. Khi viết, tôi mang trong đầu câu nói của ai đó: Đại khái rằng, đừng lập lại chính mình. Viết cảm nhận về nhạc thật khó tránh khỏi điều này, nhất là Boléro.
Tôi cũng đã từng nói về Boléro:
-Chỉ có Boléro mới diễn tả trọn vẹn những mối tình, giai điệu Boléro như dìu nhẹ những ca từ trong nỗi yêu thương, oán trách, than vãn, tan hợp, đợi chờ…, những cung bậc nhịp nhàng thăng trầm theo từng nốt và cũng chính Boléro đã thách thức thời gian qua những nhạc phẩm: Đường xưa lối cũ, Những bước chân âm thầm, Những đồi hoa sim, Hàn Mặc Tử, Xóm đêm…
Nghe Boléro, Gamme Đô Thứ buồn trong “Em chờ anh trở lại”…, tôi nhớ lại, ngày đó có những chuyện của chúng mình. (Có một sự đổi ngôi: Nam ca sĩ thì hát “Em chờ anh trở lại, còn Nữ ca sĩ thì hát “Anh chờ em trở lại! Một sự đổi ngôi đến buồn cười, vậy mà vẫn hát được kể cả những ca sĩ “hạt giống!”. Và ngày xa xưa ấy, nhạc sĩ Hoàng Nguyên ở không gian và thời gian nào để viết “EM CHỜ ANH TRỞ LẠI”?:
“… Hôm nào chúng mình ngồi với nhau
Vầng trăng lặng lẽ soi hai mái đầu
Có vì sao lạc vào mắt biếc
Ngước lên nhìn nhau, anh thì thầm:
Nghìn năm sau mắt em còn sâu
Bây giờ, bây giờ mình cách chia
Vì đâu, vì đâu lứa đôi chia lìa
Bây giờ ai một mình chiếc bóng
Vẫn mong chờ ai nhớ thương nhiều
Nhìn đăm đăm thấy đâu người yêu…”
Đến ĐK, Boléro chuyển tải những ca từ “liên ba” không ngắt:
“… Ngày anh ra đi đường nắng chưa phai màu
Dòng sông chia ly lờ lững chưa hoen sầu
Ngờ đâu chân anh lạc bước khi qua cầu
Chiều nay bâng khuâng chợt nhớ thương đời nhau
Ngày anh ra đi rặng liễu chưa xanh màu
Mà nay bên sông liễu khuất bên giang đầu
Mười mấy năm qua rồi
Còn gì đâu
Còn gì đâu
Có chăng là đớn đau…
Em chờ anh trở vào chốn đây
Đường xưa còn đó sánh đôi vai gầy
Em chờ anh tìm về lối cũ
Có em còn đây, bên sông này đợi chờ ai đến trong vòng tay…”
Nghe bài nhạc này, tôi vẫn thắc mắc:
-Nhạc sĩ Hoàng Nguyên sáng tác bài hát nhằm ca ngợi một đêm chia tay của hai người yêu nhau, nhưng con sông này ở đâu, Bến Hải hay Cà Mau? Anh đi về phía nào mà em phải chờ anh trở lại?
Tai sao lại: “… Ngày anh ra đi đường nắng chưa phai màu/ Dòng sông chia ly lờ lững chưa hoen màu/ Ngờ đâu chân anh lạc bước khi qua cầu?...”
Để rộng đường dư luận, tôi xin trân trọng mời các bạn nghe lại nhạc phẩm này, và cho biết ý kiến. Vì dù sao “Em chờ anh trở lại” là một bài hát nổi tiếng được nhiều ca sĩ miền Nam hát và được nhiều người thuộc. Nếu không nghe được thì đọc lời trên đây, vì tôi đã trích nguyên bài hát.
Từ sau 1975, có một số những bài Boléro miền Nam không sống được nơi nó sinh ra, thì bất đắc dĩ nó phải sống ở đất khách quê người, vì âm nhạc là những lời ca không biên giới! Những ca sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài cũng lần lượt về quê nhà hát hò để nhớ một thuở, và biết đâu một số bài hát cũ ở miền Nam sẽ được hát lại dù nó đã một thời bị cấm hát?
Tôi chọn “Em chờ anh trở lại” vì một câu hay nhất trong bài hát để làm câu kết trong bài viết ngắn này:
-Chiều nay bâng khuâng chợt nhớ thương đời nhau!
TRẦN HỮU NGƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét